Camera bắt lỗi phương tiện vi phạm giao thông và ghi lại hình ảnh, làm cơ sở xử phạt (Ảnh chụp từ clip). Ảnh: Thanh Trần
Tiền Phong có cuộc trao đổi với trung tá Phan Văn Thương, Phó phòng CSGT, Công an thành phố Đà Nẵng xung quanh vấn đề này.
Không còn đôi co, hậm hực
Thưa ông, tính tới thời điểm này, Đà Nẵng đã tiến hành xử phạt vi phạm giao thông qua camera tại 10 nút giao trọng điểm được một tháng. Tình hình vi phạm được ghi nhận như thế nào?
Theo thống kê từ ngày 16/1 đến 13/2, thông qua hệ thống camera, lực lượng chức năng đã lập biên bản xử lý 211 trường hợp vi phạm, chủ yếu hai lỗi không chấp hành tín hiệu đèn (vượt đèn đỏ) và quá tốc độ, 86 trường hợp bị tước giấy phép lái xe. Trước khi tiến hành xử phạt qua camera, số lượng vi phạm ở những nút giao thông trọng điểm này nhiều hơn. Tính từ khi áp dụng phạt nguội, càng về sau số lượng phương tiện vi phạm càng giảm.
Người tham gia giao thông khi nhận thông báo vi phạm có phản ứng ra sao?
Sau khi camera bắt lỗi, chúng tôi sẽ xác minh thông tin phương tiện và gửi thông báo cùng hình ảnh vi phạm về chủ phương tiện hoặc đơn vị quản lý phương tiện, yêu cầu trong vòng 10 ngày phải đến cơ quan để hợp tác xử lý.
Trước đây, khi kiểm tra và xử lý vi phạm trên đường, CSGT không tránh khỏi sự đôi co, ngụy biện, thậm chí hậm hực của người vi phạm. Rất nhiều trường hợp tỏ ra không phục trước lỗi sai của mình. Còn bây giờ, chỉ cần thông báo hành vi của anh/chị bị camera ghi lại, họ hoàn toàn chấp nhận lỗi sai và nộp phạt. Bởi họ tin có camera làm chứng thì không thể nào sai sót được. Trường hợp không nhớ về địa điểm và thời gian vi phạm, chúng tôi cho xem trực tiếp ảnh và cả video ghi lại. Trong suốt một tháng qua, hầu hết các trường hợp vi phạm khi tới nộp phạt đều tỏ thái độ rất chấp hành, vui vẻ, thậm chí còn ủng hộ cách phạt nguội này nữa.
Thưa ông, với những kết quả tích cực từ việc xử phạt qua camera trên, sắp tới Phòng CSGT có những biện pháp nào để quản lý giao thông tốt hơn nữa?
Qua một tháng triển khai xử phạt, chúng tôi nhận thấy tại các nút giao trung tâm thành phố, người dân thường hay vượt đèn đỏ và xa trung tâm thì chạy quá tốc độ. Từ dữ liệu đó, chúng tôi rà soát lại những khu vực nào, thời điểm nào vi phạm nhiều sẽ linh động bố trí lực lượng kiểm tra xử lý tại đó. Riêng địa điểm có tình hình giao thông phức tạp sẽ thông báo cho lực lượng chức năng nhanh chóng có mặt để điều tiết. Ngoài xử phạt trên cơ sở bắt lỗi tự động của camera, Phòng CSGT sẽ đề xuất thêm hướng xử phạt thủ công. Tức là bằng hình ảnh ghi nhận được, chúng tôi sẽ rà bằng mắt bắt thêm các lỗi vi phạm khác ngoài hai lỗi vượt đèn đỏ và quá tốc độ, sau đó nhập thông tin vi phạm vào hệ thống để thông báo tới chủ phương tiện.
Xe của lực lượng trật tự đô thị đỗ sai cũng bị phạt!
Hơn hai tháng trước, CSGT Đà Nẵng ra mắt trang Facebook “Cảnh sát giao thông Công an TP Đà Nẵng” để ticếp nhận phản ánh của người dân. Vậy người dân đón nhận trang Facebook này như thế nào?
Tính tới thời điểm này, trang Facebook đã có hơn 1.000 thành viên và tiếp nhận hơn 700 trường hợp phản ánh, thắc mắc về tình hình cũng như các quy định giao thông. Các thành viên, phần lớn là người dân rất hưởng ứng khi tự mình được phản ảnh các lỗi sai gặp trên đường. Hầu như chưa ngày nào trang Facebook nguội lạnh, luôn cập nhật thông tin vi phạm trên khắp địa bàn.
Vậy từ phản ánh của người dân, Phòng CSGT đã xử lý được bao nhiêu trường hợp?
Trung tá Phan Văn Thương, Phó phòng CSGT, Công an thành phố Đà Nẵng giới thiệu về hệ thống camera giám sát an toàn giao thông trên địa bàn. Ảnh: Thanh Trần
Người dân chủ yếu phản ánh về các lỗi đậu đỗ sai quy định, chở ba, không đội mũ bảo hiểm… Ngoài ra còn thắc mắc về các loại biển báo, đường đi, đăng kiểm… Phòng CSGT đã và đang xử lý 21 trường hợp vi phạm, hướng dẫn hơn 50 trường hợp hoàn thành các thủ tục cần thiết của phương tiện. Với những phản ánh không thuộc chức năng xử lý của CSGT, Phòng chuyển cho các đơn vị khác như Sở GTVT, Quản lý đô thị.
Cũng cần lưu ý thêm, không phải bất kỳ vi phạm nào cũng bị phạt thẳng tay. Có nhiều trường hợp là khách du lịch tới chưa rành đường sá, một số xe vi phạm lần đầu hoặc do sơ suất. Lúc đó phải linh hoạt giải thích cho họ hiểu và nhắc nhở lần sau không tái phạm. Facebook đã là một hướng mở trong quản lý giao thông, vậy thì mình xử lý cũng cần mềm dẻo để người dân thấy nhẹ nhàng hơn.
Mới đây, một trường hợp xe biển xanh đậu đỗ sai quy định bị người dân “tố” trên trang Facebook này và bị xử phạt, nhận được rất nhiều sự tán thành và ủng hộ. Ông nghĩ sao về vấn đề này?
Lập trang Facebook để tiếp nhận phản ánh, nghĩa là mọi vi phạm người dân phát hiện được và đưa lên chúng tôi đều tiếp nhận và xử lý công khai để người dân được biết. Như vậy, rõ ràng không có chuyện nể nang, bao che vì xe biển xanh, biển đỏ mà không xử phạt. Xe của lực lượng trật tự đô thị phường đậu đỗ đè lên vạch dừng của xe buýt, bị người dân chụp hình lại, tất nhiên phải xử lý theo quy định.
Việc người dân tham gia “tố” vi phạm còn góp phần nâng cao ý thức của chính họ. Một khi anh phản ánh người khác thì trước tiên mình phải hoàn toàn chấp hành đúng mọi luật lệ, quy tắc giao thông. Không thể “tố” người ta trong khi mình cũng vi phạm. Hơn nữa, qua những hình ảnh về đậu đỗ sai, đi ngược đường, vượt đèn đỏ… và biện pháp xử lý được công khai trên trang Facebook, người dân một lần nữa lưu ý hơn khi ra đường, từ đó nâng cao ý thức của họ.
Cảm ơn ông.
Sau khi bị người dân tố trên Facebook xe biển xanh 43E-1445 của lực lượng trật tự đô thị phường Bình Thuận (quận Hải Châu) đậu sai quy định trên đường Phan Châu Trinh và bị phạt 700.000đồng, anh Trần Ngọc Thông (36 tuổi), tài xế xe biển xanh trên hoàn toàn thừa nhận hành vi sai phạm của mình. “Tôi xin nhận sai và hứa sẽ rút kinh nghiệm, không đậu đỗ sai quy định”, anh nói.
|