Trong tương lai, TP.HCM sẽ có camera an ninh ở khắp TP, từ trung tâm tới các hẻm và cả vùng ven để giám sát tình hình an ninh trật tự và các mục đích khác.
Camera giám sát an ninh đặt tại giao lộ Phạm Ngũ Lão - Đỗ Quang Đẩu (P.Phạm Ngũ Lão, Q.1, TP.HCM) -Hữu Khoa |
Đó là mục tiêu đề án lắp đặt camera “giám sát toàn TP” của TP.HCM, hướng tới TP thông minh. Đề án này đã được UBND TP chấp thuận, giao Sở Thông tin - truyền thông (TT-TT) TP chủ trì thực hiện.
Một nội dung của đề án là thành lập các trung tâm tích hợp hình ảnh từ camera. Q.5 là địa phương làm thí điểm, đã được ghi vốn gần 15 tỉ đồng. Theo kế hoạch thì cuối tháng 7 phải hoàn thành, nhưng tới nay vẫn đang ở giai đoạn khảo sát, lập đề án.
Công an Q.5 cho biết hiện cả 15 phường thuộc quận đều đã có hệ thống camera an ninh với tổng số hơn 600 camera, trong đó của người dân có sẵn, kết nối hệ thống là hơn 300 camera, còn lại được lắp mới từ nguồn đóng góp tự nguyện.
Ba cấp xử lý hình ảnh
Chúng ta đang hướng tới TP thông minh, trong đó hệ thống camera giám sát là một phần không thể thiếu bên cạnh nhiều yếu tố quan trọng khác. Tôi hi vọng đề án giám sát toàn TP sẽ sớm thành hiện thực chứ không phải chỉ nằm trên giấy
Đại tá Nguyễn Sỹ Quang
|
Thống kê trên địa bàn TP hiện có hơn 5.000 camera phục vụ việc theo dõi, giám sát an ninh trật tự, trong đó phần lớn của các doanh nghiệp, người dân. Số khác của công an, ngành giao thông vận tải, Đài Tiếng nói VN (VOV)... được tích hợp để theo dõi tại Trung tâm chỉ huy Công an TP.
Dự kiến sau khi xây dựng đồng bộ, các hệ thống trên toàn TP sẽ chia ra ba cấp để tích hợp hình ảnh, xử lý. Cấp đầu tiên là phường, xã; thứ hai là quận, huyện và cấp thứ ba là Trung tâm chỉ huy Công an TP. Tại mỗi cấp, tùy tình huống xảy ra mà có sự điều động, xử lý phù hợp thực tế ghi nhận được.
Theo Công an P.13, Q.3, hiện dữ liệu từ camera chỉ được lưu trữ trong 15 ngày, sau đó dữ liệu mới sẽ “đè” lên dữ liệu cũ. Vì vậy, phía công an sẽ lưu lại hình ảnh trong ổ cứng để khi cần có thể sử dụng.
Theo kế hoạch của đề án trên, dữ liệu từ camera tại từng điểm sẽ tập trung về chốt bảo vệ khu phố hoặc trụ sở công an phường, tiếp sau đó sẽ truyền về trụ sở công an quận khi có trung tâm tích hợp hình ảnh. Hiện tại chỉ có các phường hoặc chốt bảo vệ khu phố có điểm tích hợp hình ảnh.
Thời gian tới khi đề án được triển khai, kinh nghiệm về việc xây dựng hệ thống đồng bộ, kết nối các thiết bị có nguồn gốc, chất lượng khác nhau sẽ được rút kinh nghiệm để triển khai trên toàn TP.
Đại tá Nguyễn Sỹ Quang, trưởng Phòng tham mưu Công an TP.HCM, cho biết Công an TP đang xin ý kiến Bộ Công an về việc thành lập trung tâm tích hợp hình ảnh tại các địa phương. Hiện chỉ có Bộ Công an và công an cấp tỉnh, TP mới có trung tâm chỉ huy, tập trung hình ảnh từ các camera an ninh và tích hợp một số camera khác ở các điểm quan trọng về an ninh để theo dõi, xử lý.
Theo phân cấp thì phường tập trung hình ảnh ở các điểm đặt camera trong phường, quận sẽ chú trọng những điểm nóng, phức tạp của các phường và TP tập trung những điểm nóng, phức tạp của các quận.
Nhưng khó khăn hiện nay là các hệ thống camera có nhiều chủng loại, chất lượng khác nhau và khó tương thích với nhau. Phần lớn hệ thống camera an ninh hiện tại là giám sát thụ động, tức là khi cần thì tới trích xuất hình ảnh để coi lại, làm tư liệu, hồ sơ, cơ sở để xử lý vụ việc.
Mục tiêu là phải hướng tới giám sát chủ động, hình ảnh truyền trực tiếp về các cấp từ phường tới TP để trước hoặc ngay khi xảy ra vụ việc, lực lượng chức năng đã phát hiện, kịp thời xử lý, tránh hậu quả xấu xảy ra.
Hiện tại, hệ thống dữ liệu được tích hợp từ các camera an ninh ở từng địa phương vẫn được lưu tại ổ cứng của hệ thống tại chỗ. Sắp tới, khi đề án được triển khai thì việc lưu trữ dữ liệu, hình ảnh sẽ được quy định cụ thể về đơn vị lưu trữ, thời gian lưu trữ và quy trình quản lý, xử lý dữ liệu...
Kết nối thông tin, dữ liệu
ra sao?
Trong khi chờ thành lập các trung tâm tích hợp hình ảnh, việc kết nối thông tin, dữ liệu hiện nay ra sao?
Theo Sở TT-TT TP.HCM, sở đã xây dựng dự thảo tiêu chí kỹ thuật khuyến nghị đối với các hệ thống camera trên địa bàn TP để quận huyện, sở ngành góp ý. Hiện Sở TT-TT đang tổng hợp, dự kiến trong tháng 9-2016 sẽ trình dự thảo lên UBND TP để ban hành, áp dụng thống nhất cho toàn TP.
Tuy nhiên, đây chỉ là tiêu chí kỹ thuật khuyến khích các đơn vị áp dụng, nhằm đáp ứng cơ bản yêu cầu của Công an TP và các địa phương khi cần truy xuất thông tin. Việc áp dụng trên thực tế có thể khác nhau tùy theo đặc thù kinh phí, độ phủ, mục tiêu quan sát... của từng địa phương.
Ngoài Q.5 làm thí điểm, hiện một số quận như Q.6, Tân Phú, Bình Tân... cũng đang đề xuất dự án xây dựng các trung tâm giám sát camera tập trung (trung tâm tích hợp hình ảnh - PV), Sở TT-TT đang nghiên cứu hiệu quả đối với các hệ thống này trước khi báo cáo UBND TP.
Theo Sở TT-TT, phải tiến tới xây dựng cơ sở dữ liệu chung cho các hệ thống camera của TP. Trên cơ sở đó sẽ phân cấp, phân quyền truy cập cho từng cơ quan, đơn vị theo lĩnh vực và khu vực quản lý. Có như thế, việc sử dụng các hệ thống camera mới đạt hiệu quả, thống nhất.■
Camera an ninh phải có độ phân giải cao
Trao đổi với TTCT, nhiều chuyên gia an ninh mạng đều có chung nhận định: người mua hiện nay hầu hết không rành về camera an ninh nên chủ yếu chọn sản phẩm theo túi tiền và nhờ người bán tư vấn. Vì vậy chất lượng máy và cách thức hoạt động ở mỗi nơi cũng thường khác nhau.
Về hình thức kết nối, camera ip (sử dụng đường truyền Internet) đang được sử dụng phổ biến nhờ có khả năng cho phép người dùng quản lý, theo dõi từ nhiều thiết bị: điện thoại thông minh, màn hình máy tính, màn hình tivi...
Về mục đích sử dụng, rất nhiều người vẫn còn nhầm lẫn giữa camera quan sát và camera an ninh. Nếu dùng cho mục đích quan sát thông thường như: quản lý con cái trong nhà, nhà trẻ... người dùng có thể dùng những chiếc camera thông thường để tiết kiệm chi phí, tất nhiên chất lượng cũng như tính bảo mật không cao.
“Còn nếu dùng để phục vụ mục đích an ninh như ở các cửa hàng buôn bán, khu phố... người dùng cần trang bị những camera có độ phân giải hình ảnh cao, thậm chí rất cao để phục vụ những trường hợp đặc thù như đọc được biển số xe máy của tội phạm, hay các camera hồng ngoại có thể quan sát rõ trong đêm...
Đi kèm với loại camera này, người dùng còn phải trang bị ổ cứng có dung lượng lớn đủ khả năng lưu trữ hình ảnh thu được trong khoảng thời gian ít nhất 15 ngày đến một tháng nhằm phục vụ công tác điều tra nếu có sự cố xảy ra” - ông Ngô Trần Vũ, giám đốc Công ty bảo mật NTS, cho biết.ĐỨC THIỆN
|
Về việc nâng cao tính hỗ trợ giữa các loại hình camera giám sát hiện nay (camera an ninh trật tự của ngành công an, camera giám sát giao thông, camera giám sát chống ngập và camera giám sát an ninh từ kinh phí xã hội hóa tại quận, huyện), Sở TT-TT cho biết từ ngày 29-4-2016, sở đã phối hợp với các đơn vị liên quan thực hiện việc kết nối kỹ thuật, chia sẻ dữ liệu từ hệ thống camera giám sát giao thông do Trung tâm quản lý đường hầm sông Sài Gòn khai thác cho Công an TP.
Hệ thống camera giám sát giao thông tại Trung tâm quản lý đường hầm sông Sài Gòn gồm camera của Sở GTVT tại các giao lộ, camera của kênh VOV Giao thông, camera trục Võ Văn Kiệt - đường hầm - Mai Chí Thọ, camera giám sát tại khu đô thị Phú Mỹ Hưng, camera phục vụ chống ngập của Công ty Thoát nước đô thị TP, camera giám sát tại phố đi bộ Nguyễn Huệ.
Như vậy về cơ bản, Công an TP đã có thể quan sát được hình ảnh từ hệ thống camera giao thông nêu trên để phục vụ công tác điều hành, chỉ huy tác chiến của các đơn vị. Tuy nhiên, việc sử dụng dữ liệu như thế nào còn phụ thuộc vào quy chế phối hợp giữa các đơn vị.
|
0 nhận xét Google 0 Facebook
Đăng nhận xét